Du lịch không còn mùa thấp điểm?

Ngày càng nhiều người đi du lịch vào mọi thời điểm trong năm dẫn đến chênh lệch khách theo mùa không nhiều và “đặc quyền” mùa thấp điểm không còn.

Trước đây, nhiều người thường đi du lịch trái mùa (mùa thấp điểm, trung điểm) để tiết kiệm chi phí. Italy từng có giá cả phải chăng nếu đến vào mùa thu, Hong Kong rẻ hơn trong những tháng hè. Hiện tại, nhiều người đi du lịch hơn và trải đều các tháng trong năm, dẫn đến tỷ lệ chênh lệch lượng khách giữa các tháng không còn quá nhiều khác biệt.

Công ty phân tích dữ liệu du lịch ForwardKeys trụ sở tại Tây Ban Nha đã nghiên cứu 3 điểm đến nổi tiếng là Thái Lan, Hawaii và Maldives bằng cách lấy tổng số khách trong một năm chia cho 12 để lấy số lượng khách trung bình. Sau đó dùng biểu đồ để so sánh số khách đến từng tháng với con số trung bình để tìm ra mùa cao điểm, thấp điểm.


Các tín đồ hành hương đến thánh địa Mecca hồi tháng 6. Ảnh: AFP/AP

Ở Thái Lan, mùa thấp điểm thường từ tháng 4 đến tháng 9, trong đó tháng 4-5 thời tiết rất nóng. Tuy nhiên, ngay cả ở những tháng thấp điểm, lượng khách ghé thăm cũng gần bằng số trung bình cả năm chia đều. Tính mùa vụ chênh lệch nhau giữa các tháng rất thấp. “Không còn du lịch trái mùa nữa”, Olivier Ponti, Giám đốc ForwardKeys, nói.

Các chuyên gia du lịch chỉ ra yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến mùa cao điểm là thời tiết.

Ged Brown, chủ công ty du lịch Low Season Traveller, cho biết rất nhiều người định nghĩa mùa nào thời tiết tệ nhất thì đó là mùa thấp điểm. Nhưng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, thời tiết không có tệ nhất mà chỉ có tệ hơn.

Khảo sát năm 2023 của Ủy ban Du lịch châu Âu chỉ ra thời tiết là yếu tố số một quyết định nơi nghỉ mát của khách châu Âu. Các đợt nắng nóng ở Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp đã gây ra cuộc khủng hoảng vào mùa hè năm ngoái. ForwardKeys nhận thấy lượt tìm kiếm các chuyến bay mùa hè đến các điểm đến Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển lập tức tăng đột biến.

Mikey Sadowski của công ty du lịch Intrepid Travel phải hủy bỏ hoặc lên lịch lại một số chuyến đi phổ biến do biến đổi khí hậu. Anh cũng hủy chuyến du lịch đến Italy với mẹ hè này vì nắng nóng.


Bắc Kinh, Trung Quốc trải qua mùa hè nắng kỷ lục tháng 6/2023. Ảnh: Reuters

Thời tiết là một yếu tố quan trọng để đi du lịch nhưng không phải duy nhất. Ponti có con nhỏ và đi du lịch phải dựa vào lịch học của lũ trẻ. Một số gia đình chọn cách cho con học theo chương trình “home schooling” (học tại nhà) để có thể đưa con đi du lịch khắp nơi. Nhưng hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau. Với những người có con cái đã lớn hoặc chưa có con, họ có nhiều cơ hội linh hoạt hơn khi quyết định đi du lịch.

Ann Woodward, người Mỹ, nói thường xuyên “né” thời gian nghỉ học của học sinh để đi du lịch. Cô cố gắng không di chuyển, không lên máy bay đến các điểm du lịch trong những khoảng thời gian học sinh được nghỉ. “Tôi gọi đó là trốn tránh”, Ann cười nói.

Ann có lương hưu đủ để chi trả cho các chuyến du lịch kéo dài hàng tháng. Do đó, cô thường chọn điểm đến yêu thích, thuê luôn một căn hộ để ở thay vì di chuyển khắp nơi. Tuy vậy, Ann thừa nhận rằng khi còn trẻ đã đi khắp nơi, đến những điểm đông đúc và nổi tiếng. Do vậy khi về già, nữ du khách Mỹ ưu tiên đến các thị trấn nhỏ, ít sầm uất hơn để tập trung du lịch, chữa lành.

Dù vậy, đi du lịch vào mùa cao điểm cũng có những lợi ích. Nhiều nơi tăng chuyến bay, tuyến tàu vào dịp này. Du khách đến những nơi ít đông đúc có thể nhận thấy các cửa hàng có thời gian mở cửa phục vụ khách ngắn hơn, hoạt động hạn chế hơn điểm đông khách.

Nhưng Brown của Low Season Traveler cho biết nếu du lịch mùa cao điểm, du khách phải trả giá đắt hơn. “Với tôi, thử thách là tìm ra niềm vui trong những mùa thấp điểm”, Brown nói.

Anh Minh (Theo CNN)